Hà Nội là một trong số các địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ trong thời gian qua. Điển hình là vụ TNLĐ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16, phố Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, xảy ra tối 30-7-2020, khiến bốn người chết. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do gãy thiết bị sàn treo nâng người khiến cả bốn người và vật liệu xây dựng rơi từ tầng sáu xuống đất. Hầu hết các nạn nhân là lao động phổ thông, hợp đồng lao động thời vụ dưới một tháng và không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cũng trong tháng 7-2020, năm công nhân Công ty Quảng Phong, Cụm công nghiệp Ngũ Hùng, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện (Hải Dương) bị nhiễm độc thiếc với nồng độ rất cao gây tổn thương não, trong đó có một ca tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cả năm công nhân này đều làm việc tại bộ phận nghiền nhựa của công ty. Qua xét nghiệm cho thấy nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu của năm công nhân đều rất cao, có trường hợp cao gấp hàng trăm lần mức cho phép. Kết quả khảo sát thực địa ở Công ty Quảng Phong của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cũng cho thấy, nồng độ bụi cao, đặc biệt là khu vực tạo hạt; mẫu nguyên liệu, sản phẩm tại xưởng nguyên liệu có nhiều kim loại như: chì, kẽm, thiếc, asen; không khí môi trường lao động có một số hợp chất hữu cơ bay hơi…
Ngày 1-9-2020, tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Phú Thọ, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì đã xảy ra vụ TNLĐ khiến bốn người chết. Trong lúc nhóm công nhân đang thi công phần móng của công trình kè ta-luy cao khoảng 7 m thì bất ngờ đất ở ta-luy đổ sụp xuống, vùi lấp nhiều công nhân đang làm việc. Quan sát hiện trường cho thấy, nhóm công nhân đã làm việc trong môi trường thiếu an toàn, nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Nhiều vụ TNLĐ xảy ra gây hậu quả rất nghiêm trọng như vụ TNLĐ xảy ra ngày 25-5-2020 tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) khiến sáu công nhân bị nạn (ba người chết, ba người bị thương); vụ TNLĐ tại Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) ngày 10-6-2020 làm ba người chết, 20 người bị thương; vụ TNLĐ xảy ra ngày 14-5-2020 tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty cổ phần AV Healthcare, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) làm 10 người chết, 14 người bị thương.
Trở lại vụ TNLĐ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16, phố Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cả bốn nạn nhân đều là lao động chính, trụ cột trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nạn nhân Nguyễn Thế Bồng, sinh năm 1956, ở thôn Bài Trượng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có con trai bị thiểu năng trí tuệ, thường xuyên đau yếu, phải chữa trị lâu dài. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và tiền chạy chữa cho con đều do ông Bồng gánh vác. Tai nạn ập đến, cả gia đình ông mất đi trụ cột. Căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, dột nát, xiêu vẹo nhưng không có tiền sửa chữa, con đau ốm không có tiền thuốc men, gia cảnh nghèo khó nay càng nghèo hơn. Hoàn cảnh của hai mẹ con nạn nhân Cao Thị Thúy, sinh năm 1968 và con trai Đặng Đình Thắng, sinh năm 1992, ở xã Vân La, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng rất thương tâm. Cuộc sống khó khăn, hai mẹ con bà Thúy phải lên thành phố làm thuê, kiếm tiền nuôi gia đình. Tai nạn lao động xảy ra, bà Thúy mất đi để lại bố mẹ già yếu, còn anh Thắng để lại vợ và hai con nhỏ, hơn 3 tuổi và 6 tháng tuổi...
Những năm trước, TNLĐ thường xảy ra ở các ngành nghề xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí, thì gần đây lại xảy ra ở cả những ngành nghề tưởng chừng ít nguy hiểm như dịch vụ thương mại, sản xuất giày dép, sản xuất giấy, chế biến và bảo quản lâm sản, thủy sản. Điều này cho thấy ở bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào cũng có thể xảy ra TNLĐ nếu các yếu tố về an toàn lao động không được coi trọng. Phần lớn các vụ TNLĐ đều xuất phát từ nguyên nhân người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức vấn đề an toàn lao động, không tập huấn các kỹ năng cần thiết, trang bị thiết bị an toàn cho NLĐ, buông lỏng kiểm tra, giám sát, trong khi những hiểu biết, ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động của NLĐ còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chỉ quan tâm đến sản xuất và lợi nhuận, nhiều NLĐ khi biết rõ công việc nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn cứ làm. Khi tai nạn xảy ra, các đơn vị, cơ quan liên quan đều có đánh giá, rút kinh nghiệm nhưng vẫn không khắc phục được, TNLĐ vẫn xảy ra có khi cùng một nguyên nhân với vụ TNLĐ đã xảy ra trước đó. Hậu quả cuối cùng NLĐ phải gánh chịu.
Sự coi thường điều kiện an toàn, vệ sinh trong lao động tất yếu dẫn đến hậu quả là TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Để giảm TNLĐ, ngoài ý thức tự bảo vệ, chấp hành kỷ luật, quy trình lao động của NLĐ, việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của chủ sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp, vẫn rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Chỉ khi nào việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trở thành thói quen, kỹ năng làm việc, hành vi văn hóa trong doanh nghiệp thì khi đó công tác an toàn lao động mới được bảo đảm.
Là đại diện của NLĐ, tổ chức công đoàn cơ sở cần chủ động tham gia xây dựng với người sử dụng lao động và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
HỒ THỊ KIM NGÂN
(Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Fonte do artigo:Tạo một môi trường lao động an toàn, vệ sinh, không độc hại, không tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi doanh nghiệp muốn hướng tới sự phát triển bền vững, NLĐ phải luôn được xem là tài sản đáng giá nhất.
BÙI ĐỨC NHƯỠNG
Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH)